Huyền thoại nhảy sào người Ukraine này đã hơn 30 lần tự phá kỷ lục thế giới của chính mình. Số lần lập kỷ lục của ông cũng được Guinness World Records ghi nhận là một kỷ lục.
Dù có nghi ngờ rằng Sergei Bubka thường không cố ý phá sâu thành tích của mình chỉ để có thêm nhiều lần lập kỷ lục kèm theo số tiền thưởng,óisínhkỷlụkèo trực tuyến bóng đá thì những nỗ lực của ông vẫn truyền cảm hứng thúc đẩy sự tiến bộ của con người trong quá trình tập luyện thể chất.
Hồi còn bé, tôi bị thu hút bởi loạt chương trình "Chuyện lạ đó đây" trên truyền hình, nhất là về các kỷ lục Guinness thế giới. Tôi thích câu chuyện của những người khổ luyện để có khả năng phi thường, vượt trội. Họ giúp tôi hiểu ra rằng, con người hoàn toàn có thể phá vỡ giới hạn của bản thân; và khát khao chinh phục liên tiếp các đỉnh cao sẽ trở thành động lực kích thích các phát minh, sáng tạo về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật của nhân loại.
Vì vậy, khi lần đầu tiên Việt Nam có tên trong danh sách kỷ lục Guinness thế giới vào năm 2004, tôi rất hào hứng. Đó là bánh tét lớn nhất - hạng mục hoàn toàn mới - ở lễ hội Tết Giáp Thân 2004. Liên tục các năm sau đó cho tới tận bây giờ, vào mỗi mùa lễ hội trên khắp cả nước, các dạng khổng lồ của bánh tét, bánh chưng, bánh dày hay phở, hủ tiếu được thi nhau triển khai để dâng hương cúng lễ. Nhưng do khí hậu nóng ẩm cũng như điều kiện không đồng đều về củi lửa, những sản phẩm này nhanh chóng bị hư hỏng và có chất lượng kém đến mức khó để thưởng thức. Ngoài thức ăn, người ta còn chạy đua về kích thước trang phục, chỉ để chụp hình và xác lập kỷ lục.
Theo thống kê của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, sau 18 năm thành lập, đã có gần 3.000 kỷ lục Việt Nam tại 63 tỉnh, thành được xác lập, trong đó có 79 kỷ lục thế giới, 92 kỷ lục châu Á. Bên cạnh một số kỷ lục quảng bá nét đặc sắc về văn hóa sản vật và khẳng định tài năng của người Việt, đã được thế giới công nhận, phần lớn số kỷ lục còn lại không có ý nghĩa gì nhiều trong đời sống kinh tế, xã hội, tại sao vẫn được triển khai?
Xác lập một kỷ lục đồng nghĩa với việc được vinh danh. Ai cũng có nhu cầu được thừa nhận ở lĩnh vực mình tham gia, tùy vào cấp độ. Đó vừa là nhu cầu, vừa là động lực phấn đấu. Tuy nhiên, để trở thành người dẫn đầu về mặt "chất" đòi hỏi trình độ và đẳng cấp nhất định - vốn chỉ dành cho số ít. Sự dẫn đầu về "lượng" sẽ dễ khả thi hơn vì chỉ cần đầu tư chủ yếu về mặt kinh phí. Sự xếp chồng về mặt số lượng vật chất tạo ra một khối lớn hơn, đến quy mô nào đó, sẽ lớn không ai sánh kịp. Nhờ đó, người ta có thể huy động một lượng lớn nguyên vật liệu và sức người để tạo thành các món ăn khổng lồ - bất kể chất lượng của chúng về mặt hương vị cũng như về an toàn thực phẩm. Tô phở hay cái bánh tét sẽ còn to, dài đến mức nào nữa nếu cuộc chạy đua kích cỡ không có điểm dừng?
Trang phục "khổng lồ" cũng được tạo nên theo cùng một nguyên lý như vậy, bất chấp tính khả dụng và thẩm mỹ. Đây là công thức để được vinh danh theo hướng "đi tắt đón đầu". Nhưng hệ quả là lãng phí thức ăn, lãng phí nguyên vật liệu và những lãng phí khác nữa để lại cho xã hội và môi trường.
Suy cho cùng, việc tổ chức và ghi nhận các kỷ lục thế giới của Guinness cũng chỉ nhằm giải trí và kinh doanh. Nếu khán giả không hưởng ứng, các nhà tổ chức sẽ dần nhận ra tác dụng hạn chế của việc đổ tiền vào hình thức quảng bá này.
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều người lao động Việt Nam. Mùa đông lạnh giá cũng không còn cách bản làng vùng cao bao xa. Lũ lụt ngày càng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều hành động thiết thực đang chờ thực hiện được càng nhiều càng tốt: số áo ấm mùa đông cho trẻ em bản làng vùng cao, số vốn được cấp cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên, số tiền cho sinh viên vay đến trường, số hecta đất đồi trọc được phủ xanh...
Những nỗ lực nhỏ nhưng hữu ích, tập trung vào cải thiện chất lượng sống của người dân hoặc góp phần phát triển cộng đồng, sẽ đáng trân trọng hơn những kỷ lục khổng lồ mà vô nghĩa.
Võ Nhật Vinh